Nghề “độ” xe
Một chiếc đang "độ" chiếc xe Rebel. Ảnh: H.P.
|
“Độ” để được “ngước nhìn”
“Độ” xe được phân chia thành hai phong cách - độ dàn trong và độ dàn ngoài. Độ dàn trong là thay đổi tạo dáng một số chi tiết thuộc máy hoặc các bộ phận liên quan đến kỹ thuật của nhà sản xuất, còn độ dàn ngoài là thay đổi các chi tiết và cấu tạo của phần vỏ để tạo hình thức khác lạ và bắt mắt hơn. Độ dàn ngoài thường được chuộng hơn vì dễ gây sự chú ý nhưng độ dàn trong lại đòi hỏi những kỹ thuật khó hơn.
Giới “độ” phân chia thành hai đẳng cấp rõ rệt. Đẳng cấp “cao” thuộc về những tay chơi nhiều tiền. Họ “độ” xe là để tạo nên sự khác biệt hoặc đôi khi chỉ để tham gia một trò chơi tìm ra chiếc xe lạ mắt nhất. “Độ” của đẳng cấp này cũng khá cầu kỳ. Có những chiếc xe được yêu cầu “độ” tới 100%, từ vỏ ngoài cho đến máy, để chân, kẹp tài liệu, ống bô, thùng đựng đồ... đều phải khác lạ. Giới này thường không tiếc tiền cho những lần độ cho xe. Bảo - một tay chuyên “độ” xe có tiếng ở Hà Nội đã từng “độ” một chiếc Exiter đến 3 lần, mỗi lần tốn khoảng 1.000 USD chỉ để tham gia một cuộc thi “nội bộ” tại Triển lãm Giảng Võ mà giải thưởng cao nhất trị giá chỉ có 5 triệu đồng. Ngạc nhiên hơn là khi kết thúc cuộc thi, anh chàng này chẳng nhận được giải gì. Chiếc xe sau đó nhanh chóng được tặng cho một người khác.
Chiếc Rebel sau khi "độ" có dáng dấp của xe dẫn đoàn. Ảnh: H.P.
|
Đẳng cấp còn lại hiện có vẻ chiếm ưu thế hơn về số lượng vì dân “độ” ở đẳng cấp này đa số là sinh viên hay học sinh. Mục đích “độ” của giới này cũng không nằm ngoài việc mong muốn có một “con xe ngon mắt”. Tuy nhiên, quan điểm của các chủ nhân thường là phải đạt được hiệu quả mong muốn mà giá thành lại phải thấp.
Thông thường, dân độ đều muốn “độ” các loại xe rẻ tiền thành các màu sắc lạ lẫm hoặc từ các xe có giá trị thấp đổi sang kiểu dáng của những loại xe đắt tiền hơn. Theo các chuyên gia “độ” tại Hà Nội, hiện dân “độ” ưa nhất là thay phanh cơ thành phanh đĩa với những kiểu dáng khác lạ, thay đổi ống bô...
Đặc biệt, phong trào “độ” bình dân đang khá “mộ” việc chuyển đổi từ xe Wave sang dáng xe Exiter. Để ấn tượng hơn, rất nhiều người chọn phương án chuyển từ thiết kế 2 giảm xóc xuống còn 1 giảm xóc (kỹ thuật này được giới độ gọi là “monoshok”), sau đó tạo dáng các chi tiết nhỏ cho giống xe nguyên mẫu. Vậy là chỉ mất chừng hơn 10 triệu đồng mua xe, chi thêm khoảng 2-3 triệu đồng tiền “độ” là đã có một chiếc xe như Exiter trị giá hơn 30 triệu đồng mà kiểu dáng lại khác biệt những xe thông thường.
Xe Wave "độ" sang dáng Exiter.
|
Một số rất ít không thuộc hai đẳng cấp trên đó là những người “độ” xe để lưu giữ kỷ niệm. Các xe đem “độ” thường đã cũ nát mà chủ nhân lại muốn phục hồi nguyên trạng như lúc nó còn đang “sung sức”. Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi đã gặp một người phụ nữ mang một chiếc Suzuki GN đi “độ”. Bà cho biết, lý do để mình “độ” chiếc xe này vì nó là kỷ vật mà người chồng vừa qua đời của bà để lại. Chiếc xe đã khá gắn bó với những thăng trầm của vợ chồng bà trong những năm chung sống nhưng do nhiều điều kiện nên nó gần như không thể sử dụng được nữa. Bà muốn phục hồi lại kỷ vật này để chờ giỗ đầu của chồng sẽ mang đến bên mộ ông để ông vui lòng. Các thợ đánh giá, chiếc xe của người phụ nữ này nếu bán chỉ được 2 triệu đồng nhưng nếu phục hồi như bà đề nghị thì sẽ tốn kém khoảng trên 10 triệu đồng.
Dăm bảy đường “độ”
Hà Nội hiện có tới hàng trăm địa chỉ “độ” nhưng những xưởng “độ” xe nổi tiếng vẫn thuộc về một số địa chỉ như Hoàng Mio - chuyên độ xe Mio ở số 23 - ngõ 1 Khâm Thiên; H-Racing ở đường Trường Chinh - chuyên độ xe dòng Yamaha, Nam RS tại 18 Phó Đức Chính và Vi Dân ở trong ngõ Linh Quang...
Exiter sau độ.
|
Ngoài ra, một địa chỉ mà nhiều dân “độ” không chuyên thường tìm đến là phố Phủ Doãn. Nghề “độ” nở rộ vì để “độ” thông thường cũng không có gì khó khăn, chỉ cần một bộ cờ lê và tuốc nơ vít kèm theo chút khả năng sáng tạo là có thể vào nghề. Tuy nhiên, để trở thành một thợ “độ” thực sự phải có khá nhiều máy móc và công cụ hỗ trợ. Một xưởng “độ” được xem là chuyên nghiệp cần có đến hơn chục loại máy, từ máy hàn, cắt, phay, tiện, gấp đến đột dập, đánh bóng...
Chính vì thế, nhiều thợ “độ” theo kiểu “tay không bắt giặc” thường chỉ nhận xe về rồi đi thuê lại các thợ chuyên nghiệp để ăn hoa hồng. Cũng chính kiểu “độ” này mà nhiều người ít có kinh nghiệm đi “độ” xe nhận về một chiếc xe hoàn toàn không giống ý tưởng thiết kế của mình mà lại bị “cứa cổ” với giá trên trời.
Ngoài “đồ” trong xưởng, nghề “độ” cũng phân chia đẳng cấp như dân “độ”. Thợ “độ” hơn kém nhau ở cái tâm trong nghề, khả năng hiểu đúng ý tưởng của khách và tính cần cù, tỉ mỉ. Trên thị trường hiện có khá nhiều thợ “độ” thiếu lương tâm khi chỉ nhằm kiếm lợi nhuận mà không quan tâm tới khách hàng. Không chỉ “chặt chém” khách, nhiều thợ còn dùng các sản phẩm kém chất lượng để lắp cho khách. Một sản phẩm dễ bị tráo nhất đó là ống bô inốc. Những người thiếu kinh nghiệm rất dễ bị thợ “độ” lắp cho ống bô bằng sắt và mạ inốc bên ngoài. Với chiêu này, các thợ “độ” lợi nhuận khá nhiều vì ống inốc đắt hơn nhiều lần so với ống bô mạ.
Phanh cơ "độ" thành phanh đĩa.
|
Ông Vi Dân - một thợ “độ” chuyên nghiệp - cho biết, xưởng của ông thường không nhận các hợp đồng một cách ồ ạt như các thợ “ăn hoa hồng”. Ông Dân là một trong những thợ “độ” khá khó tính đối với các thông số kỹ thuật. Chính vì vậy, ông không bao giờ cho phép bản thân được vội vàng khi chế các chi tiết cho khách hàng. Theo ông, nếu các nhà máy sản xuất thì bao giờ cũng cho phép một tỷ lệ lỗi nhất định nhưng với “độ” xe thì khác. Nếu thợ “độ” lơ là hoặc vội vàng thì sẽ làm hỏng sản phẩm. Điều đó có nghĩa là hỏng 100% vì mỗi một khách lại có những yêu cầu khác nhau.
Theo ông Dân, với các xe yêu cầu “độ” đơn giản nhất thì cũng phải mất nửa ngày mới hoàn tất. Như vậy, ngày nào làm được nhiều nhất cũng chỉ đáp ứng được cho hai khách “độ” vặt. Còn đối với các xe “độ” cầu kỳ thì mất hàng tuần, thậm chí là cả tháng và đặc biệt có chiếc phải “nằm” tại xưởng của ông đúng 1 năm. Tiền công “độ” cũng tuỳ theo mức độ yêu cầu của khách, có chiếc “độ” đơn giản thì chỉ mất vài trăm nghìn, có chiếc chi phí lên tới mấy nghìn USD.
Để không xảy ra những sai sót, các thợ “độ” kỹ tính đều làm hợp đồng trước khi tiến hành công việc. Các hợp đồng đều phải có bản vẽ chi tiết về những thay đổi theo yêu cầu của khách. Ngược lại, theo các thợ “độ”, các khách hàng cũng thường xuyên nên đến kiểm tra quá trình “độ” để đảm bảo cho ý tưởng của mình thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét