Đại gia Việt xếp hàng mua siêu xe đạp 500 triệu - Xe Máy Độ-Xe Máy Độc

Đại gia Việt xếp hàng mua siêu xe đạp 500 triệu

Khi nghe tin sắp có mẫu 'siêu xe' đạp giá bán 20.000 Euro, tương đương 560 triệu đồng, và số lượng chỉ 250 chiếc, không ít đại gia tại Hà Nội đã ghi danh và sẵn sàng trả giá cao hơn để mua.

Nhà giàu Việt chi cả 300 triệu để mua xe
đạp (ảnh minh họa)Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, ngoài những chiếc ô tô trị giá tiền tỷ như Audi, BMW hay Porsche, không ít đại gia chi cả trăm triệu để sắm “siêu xe đạp” nhằm thể hiện đẳng cấp.
Anh Tú - chủ một cửa hàng kinh doanh xe đạp cao cấp tại Nhật Tân Hà Nội - cho biết, nhà giàu không chơi thì thôi, còn chơi là phải hàng hiếm, độc, như vậy mới trội. Chính vì vậy, những chiếc siêu xe đạp có giá hàng trăm triệu đồng, được chế tác tinh xảo, công nghệ hiện đại, tính cá nhân hóa cao... mới thực sự được các đại gia quan tâm.

Dòng xe này chủ yếu được mua theo hai cách: một là đặt mua nguyên chiếc từ các hãng nước ngoài, hai là nhờ chuyên gia tư vấn lắp ráp theo từng phụ kiện.
Xe đạp cao cấp thường có trọng lượng không quá 13kg. Xe càng đắt, trọng lượng càng nhẹ. Những chiếc xe có giá từ 200 triệu đồng trở lên chỉ nặng có 7kg. Khung xe phải được làm bằng sợi carbon, hoặc nhôm nguyên khối không sử dụng mối hàn mới đẳng cấp. Một chiếc khung như vậy có giá từ 2.000-4.000 USD. Ghi đông cũng phải làm từ titan, mà phải thương hiệu hàng đầu như Syncros, mới xứng tầm. Ngoài ra, còn phải kể đến những linh kiện khác cũng đắt "xắt ra miếng", như bộ giảm xóc cỡ khoảng1.500 USD, phanh đĩa cũng khoảng 1.500 USD, chắn bùn bằng sợi carbon...
Nhà giàu Việt chi cả 300 triệu để mua xe
đạp (ảnh minh họa)
Nhà giàu Việt chi cả 300 triệu để mua xe đạp (Ảnh minh họa)
Để đồng bộ, chủ xe còn phải sắm thêm phụ kiện đi kèm như găng tay, mũ bảo hiểm, bảo vệ đầu gối, khuỷu tay, giày, quần áo bay, máy đo nhịp tim... Số tiền chi cho những món đồ này cũng lên đến cả chục triệu đồng.
Tuy giá “chát” như vậy, nhưng với nhiều đại gia thì chẳng bõ bèn gì khi họ có cả bộ sưu tập siêu xe giá khủng.
Anh Tú kể rằng, mới đây một đại gia tại Hà Nội đã xuống tiền mua một chiếc Pinarello Dogma Movistar với dàn đầu Most talon carbon, bộ chuyển động Super Record Tittan 2X11S, vành Campagnolo Bora Ultra đôi, Selle Teknologika... giá 300 triệu đồng.
Khi nghe tin nhà sản xuất ôtô McLaren cho ra đời mẫu xe đạp McLaren S-Works Tarmac, với giá bán 20.000 Euro (tương đương 560 triệu đồng) và số lượng có hạn, chỉ 250 chiếc, không ít đại gia tại Hà Nội đã đánh tiếng muốn mua, sẵn sàng trả giá cao hơn để có nó.
Điểm nổi trội của chiếc xe này là khung và giảm xóc làm bằng vật liệu sợi carbon, bộ đùi đĩa, ghi đông là của AeroFly, vành ống carbon CLX40 được phủ ngoài một lớp vật liệu sợi carbon mới, vừa đảm bảo tính năng vận hành cho xe, vừa giảm trọng lượng tối đa.
Trước đó, vào năm 2012 nhiều người đã không khỏi "choáng" khi một chiếc xe đạp có giá 35.000 USD đã được một Việt kiều Mỹ, sống tại TP.HCM mua. Siêu xe M55 Terminus bike này do ông hoàng Monaco Albert II thiết kế, sản xuất thủ công tại Hungary. Khung sườn được cắt theo công nghệ CNC từ khối nhôm hợp kim.
Xe có gắn một động cơ điện; thiết bị giảm xóc làm bằng titan; chiếu sáng bằng đèn LED, tay lái, bàn đạp hiệu Syncros; phanh xe hiệu Shimano. Xe được đánh số thứ tự sản xuất và ghi tên chủ nhân trên từng chiếc. Số lượng cũng có hạn, chỉ 250 chiếc trên toàn thế giới. Không phải ai có tiền cũng có thể mua được.
Không chỉ chơi xe mà việc bảo hành, bảo dưỡng cũng vô cùng tốn kém. Xăm xe phải thay bằng hàng chuyên dụng, nhập khẩu trực tiếp, ít có trên thị trường... Móc lốp phải dùng loại cao cấp, khi móc thay xăm mới không làm xước, cong vênh vành.
Những loại xe sử dụng phanh đĩa thì phải có quy trình kiểm tra, tra dầu định kỳ. Đặc biệt, chế độ bảo dưỡng định kỳ còn phải rút cả nan hoa để kiểm tra, rồi tra dầu mỡ cho hệ thống xich líp mà dầu mỡ cũng là loại cao cấp không phải dễ mua trên thị trường...
Độ chịu chơi của các đại gia Việt đã khiến một số hãng ô tô như Mercedes, BMW... đưa xe đạp đắt tiền vào phân phối tại Việt Nam. Sắp tới có thể sẽ có thêm sự xuất hiện của xe đạp Audi, Porsche cùng nhiều thương hiệu xe đạp và phụ kiện nổi tiếng thế giới như Fuji, Oval Concept, Sigma, Ibera, Prowell, Chepark, Exustar... tìm cách thâm nhập thị trường.
Theo Trần Thủy

Bài viết liên quan: