Xe Máy Độ-Xe Máy Độc: Xe máy Việt Nam

Xe máy Việt Nam đang kìm hãm sự phát triển xã hội

Có thể nói, không một quốc gia nào trên thế giới có một “nền văn minh xe máy” độc nhất, vô nhị như Việt Nam. Sự thật là  xe máy đã tác động xấu đến toàn bộ nền kinh tế, văn hóa, quy hoạch đô thị, thói quen, đạo đức, cách sống của người dân Việt Nam chứ không chỉ là vấn đề về an toàn giao thông.

Đối với nhiều quốc gia, xe máy được coi là một phương tiện giao thông nguy hiểm, không được khuyến khích sử dụng và thậm chí bị cấm ở nhiều thành phố. Vận tốc của xe máy có thể bằng ôtô, nhưng mức độ an toàn lại chỉ như xe đạp. Xe máy thực sự là hung thần đường phố, tai nạn hàng ngày, hàng giờ xảy ra trên khắp các nẻo đường Việt Nam đã chứng minh điều đó.

Khi ngồi trên xe máy nam không thể lịch lãm và nữ không thể dịu dàng. Chỉ cần va quệt nhẹ là họ sẵn sàng lao vào sống mái.

Xe máy cản trở quy hoạch đô thị

Xét ở góc độ tiện dụng, không thể phủ nhận xe máy luôn cơ động, linh hoạt và là phương tiện giao thông không có đối thủ cạnh tranh. Nhưng trên nhiều khía cạnh khác nhau, xe máy dường như là nguyên nhân gây bế tắc trong việc quy hoạch đô thị.

Hiện nay hạ tầng kiến trúc lôm côm, nhà ống mọc lên như nấm, không có cách gì khống chế. Những ngõ sâu hun hút ngoằn ngoèo chen chúc với những chợ tạm, chợ cóc chật chội, bẩn thỉu. Hàng quán “thi nhau đua nở” lấn chiếm lòng lề đường. Nét đẹp đô thị của những con phố sạch sẽ, hút mắt với những hàng xe hơi, xe buýt trật tự nối đuôi nhau là một viễn cảnh xa vời đối với các đô thị Việt Nam.

Vì sao vậy? Nguyên nhân đến từ xe máy. Chỉ xe máy mới có thể luồn lách đến mọi ngóc ngách, dẫn đến việc khuyến khích người dân làm nhà trong ngõ mà không cần tuân thủ quy hoạch theo tiêu chuẩn chung.


Xe máy áp đảo giao thông nghiêm trọng. Ảnh H.C
Với phương tiện xe máy, những gương mặt hồ hởi, tươi sáng hiếm dần, thay vào đó là sự cau có, bẳn gắt. Thậm chí có những ngõ nhỏ tới nỗi chỉ đảm bảo cho một chiều lưu thông vẫn tồn tại như một minh chứng cho sự tiện lợi không gì thay thế được của xe máy.

Chỉ có xe máy mới có thể tùy tiện tấp vào lề đường để chủ nhân vẫn ngồi trên yên, một chân chống xuống đất, thoải mái mặc cả mớ rau, con cá cho kịp bữa cơm chiều, tạo điều kiện cho sự tồn tại của chợ tự phát, mặc cho cơ quan chức năng ra sức dẹp hàng ngày.

Chỉ có xe máy mới dễ dàng dựng la liệt ngay trên vỉa hè để mua bán, trao đổi hàng hóa… chiếm hết chỗ dành cho người đi bộ. Và như vậy, xe máy trở thành rào cản cho quy hoạch đô thị hiện đại ở Việt Nam.

Xe máy tác động đến văn hóa ứng xử

Đa số người dân phải đi xe máy trong những sáng mùa đông lạnh cắt da thịt hoặc trong những cơn mưa trút nước tầm tã, hay những trưa hè nóng đổ mồ hôi. Giữa biển xe máy san sát chen chúc nhau, khói độc tỏa mịt mù, âm thanh đinh tai nhức óc… mới thấy hết sự khổ sở mà ai cũng phải chịu đựng. Điều đó tác động dần dần làm cho con người mất đi sự thông cảm lẫn nhau.

Khi ngồi trên xe máy nam không thể lịch lãm và nữ không thể dịu dàng. Chỉ cần va quệt nhẹ là họ sẵn sàng lao vào sống mái. Không thiếu những vụ ẩu đả, thậm chí giết người xuất phát từ những nguyên nhân rất nhỏ mà báo chí đăng tải hàng ngày.
Vấn nạn tắc đường, kẹt xe hằng ngày vẫn liên tiếp diễn ra. Nguồn ảnh: Internet
Khi ngồi trên xe máy, những người đàn ông không thể lịch lãm trong bộ complet, phụ nữ khó mà bận váy đầm nữ tính, thanh lịch. Mặc đẹp làm gì khi mà đằng nào cũng phải chùm bên ngoài chiếc áo chống nắng dài tới gót chân? Mái tóc uốn bồng bềnh để làm gì khi phải đội lên đầu những “nồi cơm điện” nặng nề cục mịch?

Những điều trên tưởng không quan trọng nhưng lại liên quan khá nhiều đến văn hóa ứng xử. Thật dễ hiểu, nếu mọi người ai cũng ăn mặc đàng hoàng lịch sự thì đối xử với nhau hẳn sẽ lịch sự đàng hoàng hơn.

Xe máy tác động đến thói quen và lối sống

Điều đáng lo ngại nhất là tư duy xe máy đã ăn sâu vào tâm lý của người Việt Nam. Phần lớn người dân không thể hình dung họ sẽ sinh hoạt như thế nào nếu thiếu xe máy. Một sự lệ thuộc hoàn toàn, thậm chí chỉ cách 100m thôi họ cũng cần đến xe máy. Việc vào siêu thị mua thực phẩm sạch trở thành vô lí khi mà chỉ cần ngồi lên xe máy, phóng vèo ra chợ tự phát đầu đường là có thể mua bất kỳ loại thực phẩm gì.

Thực phẩm chợ cóc nhiều khi không tuân thủ an toàn vệ sinh và hậu quả về ăn uống mất vệ sinh thì không nói thì ai cũng biết. Cũng chính vì sự tiện lợi nhãn tiền của xe máy mà mọi người mất dần thói quen đi bộ. Không có cảnh đoàn người sải bước trên vỉa hè với tác phong công nghiệp hiện đại như ở các quốc gia khác, bởi thật “đáng tiếc” là ở Việt Nam xe máy có thể phóng vào tận cổng cơ quan.

Cũng không ở đâu có nghịch lý như nước ta khi coi chiếc xe máy không chỉ đơn thuần là phương tiện giao thông, mà trở thành của để dành, thậm chí là căn cứ để phân biệt đẳng cấp xã hội. Từ đó đẩy tới một nghịch lý tiếp theo là giá một chiếc xe máy SH, LX chẳng hạn, có thể đắt gần bằng một chiếc xe hơi loại trung bình tại các nước trong khu vực.

Việc thả nổi cho thị trường xe máy cũng đồng thời khiến cho nền công nghiệp ô tô không thể phát triển, dẫn đến một nghịch lý khó có thể chấp nhận được nữa là giá thành ôtô gần như đắt nhất thế giới tại một quốc gia nghèo.
Xe máy là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông. Nguồn ảnh: Internet
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó xe máy là nguyên nhân hàng đầu. Chỉ có xe máy mới dễ dàng bỏ qua đèn đỏ, luồn lách, vượt làn, phóng nhanh, vượt ẩu… Điều tệ hại là việc vi phạm giao thông công cộng của xe máy diễn ra quá thường xuyên, lâu ngày thói xấu thành quen thuộc đối với tất cả mọi người. Như vậy, xe máy vô hình chung góp phần đẩy nhanh sự xuống cấp về ý thức an toàn giao thông vốn rất kém của người dân Việt Nam.

Xe máy làm kìm hãm sự phát triển xã hội về mọi mặt

Nạn giật đồ giữa ban ngày trở nên nhức nhối, kinh hoàng cho mọi người, nhất là phụ nữ. Chính xe máy đã làm phát sinh ra những kẻ côn đồ, cướp giật manh động, bởi nó chính là phương tiện gây án hữu dụng.

Ngoài xe máy, không có bất kỳ phương tiện nào khả thi để giật đồ. Nói không ngoa là nạn trộm chó cũng nhờ sự tiện lợi của xe máy mà có thể lộng hành, thay vì hoạt động nhỏ lẻ như trước. Chưa kể đến vấn nạn phóng xe ngược chiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho những người tham gia lưu thông.

Giờ đây khi “nền văn minh xe máy” đã hình thành, nếu ai đó nêu ra ý tưởng “cấm xe máy”, lập tức mọi người sẽ nhìn anh ta lạ lùng như người sao hỏa. Câu hỏi sẽ bật ngược lại: “Cấm xe máy thì đi bằng gì?”, rồi viện lý do muôn thuở: “Nước ta còn nghèo, người dân lấy đâu ra tiền mua xe hơi”, “Nhà nước chưa thể đủ tiền phát triển hệ thống giao thông công cộng để đáp ứng yêu cầu của dân”…

Rõ ràng xe máy không chỉ cản trở quy hoạch đô thị, không chỉ tác động đến văn hóa ứng xứ, tác động đến thói quen và lối sống của người Việt mà còn kìm hãm sự phát triển xã hội về mọi mặt. Việt Nam sẽ đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới nếu còn duy trì “nền văn minh xe máy” như thế này.

Nhiều nước không giàu hơn chúng ta, dân trí cũng không hơn nước ta nhưng họ đã thực hiện thành công giải pháp cấm xe máy để có được đô thị yên lành, sạch sẽ và an toàn. Vậy thì tại sao chúng ta lại không thể làm được?

Xe máy Việt Nam và Những dấu ấn của nền văn minh

Sau 20 năm bùng nổ, xe máy  trở thành đôi chân của hầu hết người dân Việt Nam.
Trưa hè Hà Nội oi nồng trên chiếc Air Blade, Nguyễn Nam cố phóng thật nhanh về nhà. Bỗng giọng phụ nữ gọi giật phía sau: "Này". Anh quay lại, thấy một "ninja nữ" đi xe tay ga, đội mũ bảo hiểm, đeo kính râm, khẩu trang che miệng. Bộ đồ chống nắng hoa cà trùm đầu, kín tận gót chân. Mất lúc lâu, Nam không trả lời. Anh nhăn trán như bận suy đoán người gọi mình là ai.

"Không nhận ra nhau à. Hay tưởng em nào?".

"Ô. Em", mặt Nam giãn ra. Anh cười như trẻ con giải xong câu đố. Hóa ra là vợ anh, người ít nhất hai lần cho chồng rơi vào đòn cân não kiểu này. "Không thể giao tiếp bình thường khi cô ấy mặc như vậy. Cứ như đang trò chuyện với người lạ", Nam nói.

Trang phục "ninja" những ngày nắng nóng. Ảnh: Hoàng Hà.

Trên đường Hà Nội, Huế, Sài Gòn và khắp Việt Nam, có hàng triệu phụ nữ như vợ Nam. Họ, mỗi ngày mất 20 phút chọn màu mắt màu môi và trả lời câu hỏi áo nào đi với quần nào, thậm chí đủ tiền để không mặc trùng trong tuần. Nhưng tới khi ra khỏi nhà, tất cả lại giống nhau ở bộ đồ hoa bí ẩn.

Áo chống nắng, đúng như tên gọi, đang là trang phục được sử dụng nhiều nhất. Ở ngõ nhỏ xa đường ôtô chợ Thành Công (Hà Nội), chủ tiệm Mai Phương (28 tuổi) mỗi ngày bán 5-6 bộ vào đợt chuyển mùa với giá trung bình 200.000 mỗi bộ. Cô bán từ ngày áo chống nắng mới sơ khai. Giờ đây cải tiến thành trùm đầu, thêm chân váy, xỏ ngón tay hay bất cứ cái gì cần che. Mấy năm nay còn cả bộ "chống lạnh" kín hơn cả chống nắng.

"Chúng là thứ giữ mốt lâu nhất đó nhé. Đừng đùa", Phương hóm hỉnh.

Trang phục đi ngược xu thế thời trang này chỉ là một phần trong những dấu ấn mà nền văn minh  xe máy Việt Nam đã và đang tạo nên quanh nó, giống như trang web The Truthaboutcars của Mỹ nhận xét: "Xe máy là trung tâm văn hóa Việt Nam. Mọi thứ đều xoay quanh phương tiện nhỏ bé này".

Những năm cuối thế kỷ 20, các nhà quản lý có cơ hội lựa chọn ôtô hay xe máy làm phương tiện giao thông chính. Không có văn bản khuyến khích, nhưng chính sách thuế đánh vào hai mặt hàng này thể hiện sự ưu ái. Ôtô liệt vào dạng "hạn chế sử dụng" bằng thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi  xe máy Việt Nam  thì không.

Dưới sự ủng hộ gián tiếp và thu nhập người dân tốt hơn, xe máy thành ốc đảo ngập nước giữa sa mạc. Nhu cầu đi lại cao của một nước đang phát triển được thỏa mãn gần như không kiềm chế. Chưa đầy hai thập kỷ, phương tiện này đạt con số cộng dồn 37 triệu, tương đương mỗi gia đình 1,5 xe và gấp tới 19 lần lượng ôtô. Việt Nam thành thị trường lớn thứ tư thế giới, chỉ đứng sau các nước đông dân Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.

Nguyên nhân bởi xe máy có độ linh động không phương tiện nào bì kịp. Có thể xuyên con ngõ rộng chưa đầy một mét. Lách qua hai ôtô để chiếm chỗ "ngon" hơn ở đèn đỏ. Leo vỉa hè tránh đám đông. Sáng chở trẻ con đi học, đưa phụ nữ đi chợ và tối giúp đàn ông gặp bạn bè ở quán nhậu.

Chúng thành "đôi chân" của gần như tất cả.

Ngay sau ngày mất trộm chiếc Lead, Vân Anh, sinh viên năm 2 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn viết trên facebook: "Có phép màu nào giúp tôi vào ngày mai, khi mà 6h30 đi làm đến 14h30 và 15h có mặt ở sân vận động học thể dục. Chân tôi như bị cụt vậy".

Câu trả lời có phải là xe buýt? Ở Việt Nam không nhiều người chọn cách đó. Sáng hôm sau Vân Anh đi làm thêm bằng xe ôm, nhờ bạn chở tới trường bằng xe máy. Vài ngày sau vẫn vậy. Cho tới khi cô có chiếc khác thay thế.

Dòng xe máy tại một ngã tư Việt Nam.

"Việc gì phải đi buýt nếu bằng cách nào đó có xe máy. Cũng như bạn đâu phải mất công tán tỉnh nếu có thể bỏ tiền mua. Tiện lợi cá nhân nếu được xổng chuồng sẽ khó lòng bắt lại. Thế nên chính sách về xe máy ở Việt Nam luôn là thứ nhạy cảm nhất. Ai cho phép người ngoài kìm kẹp đôi chân mình", chuyên gia về giao thông Nguyễn Hồng Anh, người có nhiều kinh nghiệm làm việc ở châu Âu, phân tích.

Trước khi được bố mẹ mua xe máy, Vân Anh đi học bằng xe buýt. Nhưng khi có xe, ý nghĩ đó dường như không bao giờ trở lại. Phương tiện công cộng phổ biến ở nước phát triển bị coi là thứ yếu ở Việt Nam. Xe buýt, dù được đích thân Bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng cổ vũ, vẫn giống kẻ đi nhờ trong dòng xe máy tấp nập.

Một buổi sáng sáu tháng sau ngày bị bà xã tung hỏa mù, Nguyễn Nam tới công ty và tình cờ nhìn thấy vết thương hình quả trám trên bắp chân cô đồng nghiệp. "Em bị bỏng pô à", anh hỏi. "Vâng, mới chiều hôm qua".

Nam nhớ ra anh cũng có hai vết như thế, một chân trái, một chân phải hồi mới mua xe máy. Vợ anh, mẹ anh, em gái anh và hình như nhiều đồng nghiệp khác không là ngoại lệ.

Chỉ vào viết thương đã liền, mờ đi nhưng vẫn đủ thấy từ xa, Nam nói: "Dấu ấn của xe máy đấy. Khi nào chúng ta được đi ôtô?
Nguồn VnExpress.net